Tại Hội nghị Tín dụng đối với BĐS và Phát triển nhà ở xã hội (NOXH) diễn ra ngày 13/11, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ, trong 10 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành đã làm việc với quyết tâm cao, liên tục trong thời gian ngắn các quyết định, chính sách mới được ban hành.
Ông Hải đánh giá, những nỗ lực từ nhiều phía đã góp phần tích cực nhằm “giữ” thị trường BĐS. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh” và đang lấy lại đà.
"Các địa phương đều tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp BĐS như Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai…Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận", ông Hải nói.
BĐS nghỉ dưỡng chưa có cơ hội "trở mình"
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hải thông tin cơ cấu loại hình sản phẩm BĐS thời gian qua nói chung chỉ có 40% là dự án nhà ở, 30% là dự án du lịch nghỉ dưỡng, còn lại là các dự án thuộc loại hình khác.
Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, phân khúc nhà phố/biệt thự, liền kề có tăng nhưng số lượng không nhiều; “cơ cấu sản phẩm nhà ở vẫn không hợp lý”, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi “thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, NOXH”, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.
Về số lượng dự án đang triển khai xây dựng quý III/2023 giảm xuống còn 87,53% so với quý II/2023. Nguyên nhân cơ bản là do nhiều dự án quy mô nhỏ đã được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, so với quý I/2023 số lượng dự án đang triển khai có xu hướng tăng lên 123,64%.
Về dự án NOXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân KCN, các địa phương tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ phát triển NOXH. Đã có nhiều hơn các dự án NOXH được bắt đầu tiến hành nhận và đánh giá hồ sơ. Nguồn cung NOXH trong tương lai nhiều địa phương dự báo sẽ “được cải thiện rõ rệt hơn” trong năm 2024.
Lũy kế giai đoạn 2021- 2025, trên địa bàn cả nước đã có 465 dự án NOXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân KCN với quy mô 412.845 căn đã hoàn thành và đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, số lượng NOXH, nhà ở cho công nhân KCN đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn.
Về lượng giao dịch BĐS trong quý III/2023 ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần so với quý II/2023, hơn 2 lần so với quý I/2023. Tuy nhiên, vẫn chỉ bằng khoảng 10% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Song, BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giá thuê BĐS công nghiệp tiếp tục ghi nhận ở mức cao, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tỉ lệ lấp đầy các KCN, CCN ở các thành phố lớn, đặc biệt là các KCN cấp 1 đạt mức trên 80%.
BĐS nghỉ dưỡng chưa có cơ hội “trở mình”. Mới chỉ ghi nhận động thái từ Khánh Hòa với việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel trên đất thương mại, dịch vụ.
Có 20% sàn giao dịch BĐS đối diện nguy cơ giải thể
Phân tích tình hình tài chính đối với lĩnh vực BĐS, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.
Theo đó, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện. Tuy nhiên chưa phải hoàn toàn và vẫn đang rất khó khăn. Điều này được thể hiện bởi số lượng doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường BĐS phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực BĐS gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp BĐS giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng với các sàn giao dịch BĐS có tới 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường BĐS sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Doanh nghiệp BĐS còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng...
Tăng tính hiệu quả của tổ công tác Thủ tướng
Trước thực trạng trên, ông Hoàng Hải đánh giá hiện nay là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường BĐS. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì “niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường BĐS thực sự trở về “trạng thái bình thường mới”.
Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trong các Nghị quyết, công điện của TTCP đặc biệt Nghị quyết 33, trong đó có 1 số nhiệm vụ làm ngay.
Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai(sửa đổi), Luật Nhà ở(sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...
Thứ hai, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển NOXH, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.
Thứ ba, xác định việc đầu tư phát triển NOXH cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.
Thứ tư, triển khai có hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Và cuối cùng, tăng cường tính hiệu quả của Tổ công tác đặc biệt của TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án BĐS trên địa bàn; đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án BĐS, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết