Ngành xây dựng trong năm tới vẫn được nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng tốt, do nhiều yếu tố nội tại của Việt Nam. Đặc biệt, trong xây dựng công nghiệp, xây dựng theo xu hướng xanh hoá.
Theo báo cáo của VnDirect về tổng quan ngành xây dựng, hiện nay, hoạt động xây dựng công nghiệp sôi động trên con đường Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Theo đó, dòng vốn FDI dồi dào chảy vào Việt Nam mở ra cơ hội cho các nhà thầu với năng lực thi công nổi trội.
Xuyên suốt giai đoạn 2012 - 2022, lượng vốn thực hiện duy trì đà tăng trưởng mặc dù vốn đăng ký biến động dưới các ảnh hưởng từ tình hình vĩ mô. Vốn đăng ký FDI chậm lại vào các năm 2020 - 2022 với áp lực đến từ việc nền kinh tế toàn cầu yếu đi khi trải qua đại dịch Covid - 19, xung đột địa chính trị và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, vốn giải ngân tiếp tục cho thấy sự ổn định, chỉ giảm 2%/1,2% so với cùng kỳ trong các năm 2020, 2021 và đã tăng 13,5% so với cùng kỳ vào năm 2022, cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam được đánh giá cao trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
VnDirect cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI trong các năm tới, trên con đường trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, nhờ vào các yếu tố vị trí địa lý có tính chiến lược và hạ tầng cảng đang phát triển. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc;và chi phí năng lượng thấp hơn so với các nước nói chung trong cùng khu vực.
Ngoài công nghiệp, thị trường xây dựng dân dụng ấp ủ nhu cầu lớn trong dài hạn, VnDirect nhận định thị trường này vẫn đang mang nhu cầu lớn lâu dài theo đà tăng trưởng đô thị hóa của Việt Nam.
Việc hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp cũng sẽ hỗ trợ quá trình đô thị hóa. Theo kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn tất 5.004km đường cao và 29.795km đường quốc lộ.
Thêm vào đó, Chính phủ đã cam kết xây ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình thu nhập trung bình và thấp, qua đó cũng sẽ tăng thêm hợp đồng xây dựng cho các nhà thầu.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản nhà ở đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Chứng khoán VnDirect kỳ vọng thị trường bất động sản nhà ở sẽ phục hồi rõ nét hơn trong năm 2024 - 2025 và thúc đẩy nhu cầu xây dựng.
Bởi, môi trường lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường và tình hình tài chính của các chủ đầu tư. Các luật mới sẽ hỗ trợ hoạt động trên thị trường kể từ năm 2025.
Tại hội nghị "Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành xây dựng" vừa diễn ra, Bộ Xây dựng cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành xây dựng năm 2023 ước đạt 7,3 - 7,5%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị đạt 53,9%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 96%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước là 26m2 sàn/người. Tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.
Hiện nay, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật luôn được Bộ Xây dựng xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về quản lý hoạt động xây dựng, Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thành việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động xây dựng.
Kiện toàn quy chế thực hiện, quy trình kiểm soát để đáp ứng tốt nhiệm vụ thẩm định dự án, thiết kế, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ vận hành, quản lý khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng. Theo dõi tình hình hoạt động của các tổ chức được cấp giấy phép hoạt động cho nhà thầu nước ngoài ở Việt Nam, thông tin, phản ánh từ các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng để kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước và xây dựng chính sách pháp luật.
Hoàn thành việc rà soát danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực xây dựng. Rà soát điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định kiểm tra an toàn lao động.
Tiếp tục xử lý những khó khăn vướng mắc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng của 02 Dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam; Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao; dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; các dự án trọng điểm của ngành Giao thông vận tải, ngành Công thương.
Về công tác quản lý vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Hoàn thiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng”. Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Thêm vào đó, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu; nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực. Rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước.
Tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Đồng thời, Bộ đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng; phương án sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh; tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết