Thông cáo báo chí kết quả công tác năm 2023, nhiệm vụ chủ yếu năm 2024 của Thanh tra Chính phủ. Năm 2023, ngành thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 257,7 nghìn tỷ đồng và 616ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 188,6 nghìn tỷ đồng và 166ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý hơn 69 nghìn tỷ đồng và 450ha đất.
Đồng thời, ban hành gần 126,2 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức cá nhân với số tiền 6.452 tỷ đồng; kiến nghị xem xét xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.
Đối với công tác xử lý về thanh tra, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó, có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 62,6% tổng số kết luận thanh tra).
Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 2.350 tỷ đồng và 32,5 nghìn ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 152 vụ, 201 đối tượng, khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 332 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị các đảng bộ, chi bộ trực thuộc cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể.
Về công tác thanh tra, các đảng bộ, chi bộ bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2024, yêu cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ được giao đột xuất, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Đơn vị sẽ tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội dung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra…
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham mưu thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp giao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết