Tại báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam 2023 và dự báo 2024 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong năm 2023, cả nước đón nhận khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022.
Toàn thị trường ghi nhận 726 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được giao dịch thành công trong năm 2023. Lượng giao dịch chưa phục hồi như kỳ vọng do một số dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm đang gặp vướng mắc về pháp lý, nên chưa thể ra hàng. Trong khi hàng tồn kho chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ các nhà đầu tư mua trước đó.
Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với hơn 1.200 sản phẩm, tương đương khoảng 38% lượng cung toàn thị trường. Nửa đầu năm 2023, chủ đầu tư liên tục hoãn, dời thời gian triển khai bán hàng. Bởi đặc trưng của phân khúc này là giá trị lớn, chủ yếu phục vụ mục đích đầu tư, rất khó thanh khoản trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Sang đến quý 3/2023, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng được cải thiện từ các dự án condotel, chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam của các chủ đầu tư uy tín với mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2.
“Còn quý 4/2023, tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường bất động sản, đã thúc đẩy chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, "bơm" nguồn cung vào thị trường. Mức giá sơ cấp tăng nhẹ so với các giai đoạn chào bán trước đó do các dự án đã gần hoàn thiện và đang được tập trung nhiều hạ tầng, tiện ích, dịch vụ”, VARS nhận định.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn còn gặp nhiều thách thức, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương. Nhiều giải pháp nhằm giữ chân, thu hút khách du lịch đã được áp dụng. Tuy nhiên, các biện pháp kích cầu này vẫn cần thời gian “ngấm” cùng sự phối hợp của chính quyền địa phương, các ngành nghề đã phần nào thúc đẩy lực cầu.
Song với đà phục hồi chung của thị trường, sự hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch, bà Phạm Thị Miền, Phó Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư bất động sản VARS cho rằng, nguồn cung sản phẩm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội được cải thiện, nhờ tiến trình phục hồi chung của thị trường bất động sản, cũng như các tín hiệu tích cực từ các yếu tố vĩ mô, nhưng không nhiều, tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Phân khúc căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Nguồn cung sẽ chủ yếu đến từ phân khúc căn hộ du lịch ở các dự án quy mô lớn, dự kiến chiếm ít nhất 60% thị phần.
Về giá cả, bà Miền nói, năm 2024 khả năng trên thị trường sơ cấp và thứ cấp đều có xu hướng cải thiện nhẹ. Tại thị trường thứ cấp, giá bán sản phẩm căn hộ du lịch có mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số thị trường có tỷ lệ lấp đầy phòng cao. Tuy nhiên, cùng với giá bán, phương án về quản lý vận hành sẽ là điểm mấu chốt, đặc biệt được khách hàng/nhà đầu tư quan tâm khi xuống tiền.
Còn lực cầu đầu tư sẽ phục hồi nhưng với tốc độ chậm. Hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn còn gặp nhiều thách thức, có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương.
“Theo nghiên cứu của VARS, giao dịch thị trường này có xu hướng tăng nhưng là trong dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách rất xa so với trước dịch Covid-19. Dự kiến lượng giao dịch sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2023 và sẽ đạt kết quả ấn tượng nếu như nhận được cú huých đủ mạnh từ ngành du lịch”, vị chuyên gia nêu.
Theo Tạp chí Thương gia.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết