Tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản
Vào ngày 13/11/2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Theo lịch, hội nghị sẽ diễn ra từ 8h ngày 13/11 tại điểm cầu trung tâm trụ sở NHNN và tại điểm cầu NHNN chi nhánh TP.HCM.
Hội nghị dự kiến có sự tham dự của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Bộ Tư pháp.
Đáng chú ý, NHNN đã gửi thư mời đích danh Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, và tổng giám đốc của 14 ngân hàng thương mại có trụ sở tại Hà Nội và có dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và lãnh đạo một số tập đoàn bất động sản lớn cũng đã được gửi thư mời tham dự hội nghị.
Trong khi đó, tại điểm cầu TP.HCM có sự tham dự của lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, Tổng giám đốc các ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản lớn.
Trước đó, ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 993/CĐ-TTg. Một trong những nội dung quan trọng, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.
Tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Điểm nghẽn về tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản sẽ được gỡ bỏ?
Theo kế quả khảo sát mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nguồn vốn vẫn là khó khăn dai dẳng, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản. Với hơn 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy được tác động tới doanh nghiệp.
Việc khó tiếp cận dòng tiền khiến mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch,... trên thị trường gần như bị ngưng trệ. Ảnh hưởng trực tiếp tới các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và hơn 30 ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… Đồng thời, gián tiếp gây ra những hệ lụy về lâu dài cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp vẫn đang phải “xoay xở" bán hàng, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động.
“Mặc dù ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi,... doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó gặp nhau. Bởi các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do “sức khỏe” của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường”, báo cáo của VARs cho biết.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, người mua nhà thời gian qua dù vay được ngân hàng để mua nhà nhưng điều kiện vay vẫn còn khó khăn, lãi suất vẫn ở mức cao 9 - 10%. Còn với doanh nghiệp, mức lãi suất 11 - 13% là khá cao. Với doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn luôn luôn cần thiết, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp lại càng có nhu cầu vay vốn hơn. Tuy nhiên, thời điểm này điều kiện bị thắt chặt, lãi suất cao nên không dám vay vốn nhiều để mở rộng hoạt động kinh doanh; chỉ vay để duy trì hoạt động.
“Hy vọng cuộc họp sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ cho vay, giúp người mua và chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Đặc biệt, lãi suất cho vay nên duy trì ở mức vừa phải, có thể quanh mức 8 - 8,5%/năm, bởi lãi suất huy động đầu vào hiện khá thấp. Ngân hàng cũng nên giảm bớt điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn", ông Quyết nói.
Còn lãnh đạo một chủ đầu tư dự án khu đô thị vùng ven Hà Nội cho biết, hiện ngân hàng đang báo lãi suất cho vay 11%/năm. "Thực sự với lãi suất trên doanh nghiệp bất động sản khó có khả năng trả. Tôi mong lãi suất sắp tới còn 8- 9%/năm cho chủ đầu tư còn 6 - 7%/năm với người dân vay mua bất động sản. Một năm vừa qua quá khó khăn với doanh nghiệp và người dân nên mong ngân hàng sau cuộc họp chia sẻ giai đoạn khó khăn này", vị này cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường địa ốc được đánh giá đã có diễn biến khả quan so giai đoạn hơn 1 năm trước. Song để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho đà hồi phục, các chính sách gỡ khó cho thị trường vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản hy vọng với việc họp bàn giữa các bộ ban ngành, đặc biệt là bên Ngân hàng nhà nước, vấn đề bài toán dòng tiền cho lĩnh vực bất động sản sẽ sớm có tín hiệu tốt. Thị trường có cơ hội sôi động cuối năm nay, đầu năm 2024.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết