Kể từ khi bảo dưỡng tổng thể lần 4 (TA4) hoàn thành vào tháng 9/2020, BSR đã tích cực chuẩn bị cho TA5. Đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 dự kiến triển khai trong 50 ngày từ 22/6 đến 11/8/2023. Tuy nhiên, bằng năng lực và kinh nghiệm của 4 lần TA trước, BSR phấn đấu rút ngắn thời gian TA xuống còn khoảng 43 - 45 ngày.
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương phát biểu tại buổi hội thảo
Ông Trần Tấn Chức - Trưởng ban BDSC BSR cho biết: Phạm vi công việc chính của kỳ TA5 là mở các thiết bị tĩnh (tăng 23% so với kỳ TA4); Bảo trì, bảo dưỡng định kỳ hệ thống điều khiển trong toàn Nhà máy; các cải hoán để tối ưu vận hành.
Đợt TA5 sẽ có 6 gói thầu chính. Bên cạnh đó, nhân sự BSR trực tiếp tự thực hiện bảo dưỡng hệ thống máy nén, thiết bị quay, tự động hóa, thiết bị điện… Ông Trần Tấn Chức phân tích điểm mạnh mà BSR học được từ 4 lần TA trước, đó là: Hệ thống quản lý bảo dưỡng tổng thể được cải tiến liên tục, kế thừa cơ sở dữ liệu bảo dưỡng tổng thể ở 4 lần trước; nhân sự BSR và nhà thầu đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trên công trường; số lượng và chất lượng nhà thầu trong nước đã tăng lên đáng kể so với trước.
BSR cũng tự rút ra được nhiều bài học ở TA4, để phục vụ tốt hơn cho TA5, bao gồm: Tăng cường công tác quản trị rủi ro và tối ưu phương án phân chia gói thầu, giảm giao diện, tập trung công việc quan trọng. Ví dụ như gói thầu valve, BSR cũng đã tổ chức lại và triển khai phương án tối ưu để giảm áp lực về mặt tiến độ và giao diện công việc.
BSR cải tiến công tác hút xúc tác, công tác lắp dựng giàn giáo phía bên trong các thiết bị phản ứng và tái sinh. Đánh giá tối ưu khối lượng vật liệu chịu nhiệt, tối ưu công tác lập kế hoạch, dừng - khởi động Nhà máy. Tối đa thay thế các thiết bị quá già cỗi và đạo tào nhân lực nội bộ, giảm phụ thuộc chuyên gia nước ngoài.
Bên cạnh đó, BSR tăng cường công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, giám sát TA, chủ động đào tạo nhân sự cho phần việc vật liệu chịu nhiệt, tăng khối lượng công việc do BSR chủ động thực hiện, giảm thời gian chuẩn bị tài liệu.
Ông Khương Lê Thành - Thành viên HĐQT BSR phân tích các rủi ro khi thực hiện bảo dưỡng tổng thể
Ông Khương Lê Thành - Thành viên HĐQT BSR nhận định: BSR đã có bề dầy thành tích trong các lần TA, tính sẵn sàng luôn ở mức cao nhất. Đặc biệt, lần TA4 năm 2020, BSR thực hiện TA trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, công tác huy động chuyên gia nước ngoài, vật tư là vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, bằng sức mạnh tổng thể, BSR nhận được sự trợ giúp từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từ các nhà thầu trong nước, TA4 đã thành công ngoài mong đợi. TA4 chính là bài học lớn cho BSR để thực hiện thành công TA5 vào năm 2023.
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương kết luận: Buổi hội thảo hôm nay, các ban chuyên môn đã có những bài phân tích, nhận định chi tiết, cụ thể các rủi ro có thể xảy ra. Mỗi kỳ TA, không có kỳ TA nào giống nhau. TA4 ở hoàn cảnh khác, rủi ro khác. TA5 có thách thức rất lớn đó là đứt gãy chuỗi cung ứng - ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giao vật tư.
Ông Trần Tấn Chức - Trưởng Ban BDSC báo cáo tiến độ thực hiện công tác TA5.
Thời điểm này chính là thời gian tăng tốc công tác chuẩn bị cho TA5 cũng là thời điểm BSR nghiêm túc nhìn nhận lại tất cả các bài học của kỳ TA4. Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho rằng TA5 tiếp tục hướng đến mục tiêu là kỳ bảo dưỡng tổng thể an toàn, chất lượng, đúng tiến độ và chi phí tối ưu.
PV.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại.
Đăng nhập để có thể bình luận bài viết