Chuyên mục

Hội đồng trường với tự chủ của các trường đại học công lập

DNTH: Hội đồng trường không nên là rào cản mà phải tạo điều kiện tốt nhất cho trường hoạt động và phát triển, nhất là thực hiện tự chủ đại học. Vấn đề thành lập hội đồng trường cho đến nay vẫn còn là một khó khăn đối với phần lớn các trường đại học vì chính Luật Giáo dục 2019 cũng chưa rõ ràng về bộ phận quan trọng này trong chính sách tự chủ đại học.

1. Thiết chế hội đồng trường trên thế giới và ở Việt Nam

Nhìn tổng quát trên thế giới, chúng ta có chủ yếu 3 loại trường đại học phân biệt theo nguồn tài chính đầu tư gồm:

Thứ nhất, trường đại học công lập, do nhà nước thành lập. Tài chính của trường lấy từ ngân sách nhà nước phân bổ và từ học phí để chi cho các hoạt động thường xuyên. "Nhà nước" là chủ trường, có thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo, uỷ ban nhân dân ở ta; chính phủ tiểu bang ở nước ngoài.

Ở Mỹ, trường công lập cũng như các tổ chức giáo dục trong nước, cũng huy động được tài trợ của các nhà hảo tâm trong số cựu sinh viên xuất sắc, gọi là Quỹ Thiện nguyện (Endowment Fund). Nhà nước chủ quản thành lập hội đồng trường gồm các nhân sĩ ở địa phương để chỉ đạo và quản lý ban giám hiệu/ban điều hành của trường. Hội đồng trường tìm chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng. Hiệu trưởng thành lập các bộ máy điều hành, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hội đồng trường không tham gia các hoạt động điều hành hoặc chuyên nghiệp của trường ngoài nhiệm vụ chỉ đạo và quản lý việc ban giám hiệu sử dụng kinh phí của nhà nước giao.

Thứ hai, trường đại học thiện nguyện (không vụ lợi). Đây là cơ sở đại học tư thục do cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chiêu mộ giảng viên. Họ mời một nhóm nhân sĩ khác họp lại thành một hội đồng tín thác (Board of Trustees) để cai quản vốn ban đầu gọi là Quỹ Thiện nguyện. Hội đồng tín thác tổ chức tuyển chọn hiệu trưởng và hiệu trưởng thành lập ban giám hiệu trường. Ban giám hiệu tổ chức các bộ máy điều hành, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cũng tại Mỹ, các trường loại này phần lớn là những trường danh tiếng nhất trong nước. Cũng như hội đồng trường của các trường công lập, hội đồng tín thác của các ĐH thiện nguyện không tham gia các hoạt động điều hành và chuyên nghiệp của trường.

Thứ ba, trường đại học tư thục (có vụ lợi), do một nhà tư bản hoặc một công ty tư nhân đầu tư. Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty - chủ đầu tư vốn - là người góp vốn cũng là người quản lý mọi hoạt động của trường, từ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất đến tìm chọn và bổ nhiệm nhân sự. Loại trường ĐH này không có hội đồng nào khác có thể thay HĐQT được vì mệnh hệ của đồng vốn là trách nhiệm của đơn vị này. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường cao hay thấp tùy thuộc kinh phí đầu tư của HĐQT. Do đó, trường tư thục không thể có hội đồng trường để quản lý và chỉ đạo HĐQT.

Hiện nay tại Việt Nam, loại hình trường đại học tư thục thiện nguyện (không vụ lợi) gần như không có, ngoại trừ vài trường do Chính phủ nước ngoài viện trợ đầu tư.

2. Về tự chủ đại học

Khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, phong trào tự chủ ĐH được các trường quan tâm, đặc biệt là trường công lập. Khi đó, bộ chủ quản muốn giao bớt trách nhiệm về cho trường, đồng thời giảm bớt phần nào kinh phí từ ngân sách nên sẽ lập ra một hội đồng trường. Hội đồng trường sẽ tuyển chọn hiệu trưởng và hiệu trưởng thành lập ban giám hiệu và bộ máy giảng dạy. Như thế, trường rất muốn được tự định đoạt các hoạt động đào tạo, tuyển sinh, tuyển giảng viên; thiết kế ngành học, mức học phí…; quan trọng nhất là vẫn muốn nhà nước tiếp tục giao ngân sách hoạt động thường xuyên, giao chỉ tiêu kèm kinh phí tương ứng như trước (qua đặt hàng về đào tạo và nghiên cứu khoa học).

Các trường tốp trên, với danh tiếng có sẵn từ lâu không những sẽ thu hút nhiều thí sinh loại giỏi mà còn có thể tranh thủ kinh phí nghiên cứu khoa học của quốc tế tài trợ hoặc của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước.

Các trường ĐH tư không vụ lợi thường là trường rất thanh thế, có nguồn tài chính từ học phí rất cao cùng quà tặng vào Quỹ Thiện nguyện từ các mạnh thường quân và cựu sinh viên. Các giáo sư thường tranh thủ nhiều kinh phí nghiên cứu của các cơ quan nhà nước hoặc các quỹ thiện nguyện, Hội Khoa học, Hội Giáo dục để làm nghiên cứu.

Ban giám hiệu xây dựng kế hoạch hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học thông qua hội đồng tín thác, không bị ràng buộc bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường có một ban kiểm tra nội bộ rất nghiêm ngặt, báo cáo thường kỳ cho hội đồng tín thác theo dõi việc sử dụng ngân sách của trường. Hội đồng tín thác cho phép ban giám hiệu ký hợp đồng với một công ty kiểm toán độc lập để thanh - quyết toán ngân sách của trường hằng năm. Trường luôn trích một phần tiền từ ngân sách làm quỹ học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi.

Hội đồng trường trong các trường này thực ra là hội đồng tín thác, chỉ họp 1 hoặc 2 lần/năm. Họ không lĩnh lương mà chỉ lĩnh tiền bồi dưỡng cho những ngày họp hội đồng và các chi phí nảy sinh trong mỗi kỳ họp.

Đối với trường ĐH tư có vụ lợi, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, ngoài vốn đầu tư, HĐQT tự do đầu tư kinh phí theo khả năng cũng như ở những lĩnh vực mà luật cho phép. Nhà trường tự chủ kế hoạch và chương trình đào tạo từ tuyển sinh đến đầu ra, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội.

Như đã nói ở trên, tất cả hoạt động trong nhà trường đều do HĐQT chịu trách nhiệm quyết định nên không thể thành lập hội đồng trường ở đây. Nếu có hội đồng trường thì HĐQT sẽ mở rộng, mời thêm chuyên gia nhưng chủ tịch vẫn phải là chủ tịch HĐQT.

 3. Vai trò của Hội đồng trường trong tự chủ đại học

Hội đồng trường (HĐT) được xem là một mắt xích quan trọng, thiết chế không thể thiếu khi trao quyền tự chủ trong quản trị đại học. Tuy nhiên, khi thí điểm tại một số trường đai học thì những quy định về quyền hạn, trách nhiệm của HĐT lại trở thành rào cản vì thực tế cho thấy HĐT chưa thể phát huy hết vai trò của mình, chưa rõ ràng qui định về chức năng nhiệm vụ và mang tính hình thức. Nhiều HĐT (Đại học Công Lập) hiện đang hiểu sai chức năng nhiệm vụ, lấn sân sang việc quản lý điều hành của Ban giám hiệu dẫn đến mỗi trường hiểu theo một cách khác nhau, không thống nhất, giám sát HĐT lỏng lẻo và đã dẫn đến nhiều xung đột trong công tác bổ nhiệm, phân định chức năng.

Ngày 19/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019. Theo đó, một trong những điều chỉnh quan trọng trong Luật này là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Đây được coi như chính sách cởi trói về mặt cơ chế mới giúp các trường nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học.

Tọa đàm “Rào cản tự chủ đại học trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học”, do Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 20/10 tại Hà Nội.

Vai trò của HĐT đã được thể hiện rất rõ, cụ thể tại điều 16 của Luật sửa đổi, bổ sung: Quyền của hội đồng trường được quy định cụ thể như quyết định về chiến lược, quy hoạch, chính sách đào tạo, nghiên cứu, nhân sự, chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, ngân sách tài chính, đầu tư,…

Ngoài ra, một trong những điều kiện thiết yếu để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo mà các trường đại học đều bám sát trong quá trình tự chủ được nêu rõ tại khoản 6, điều 12 của bộ Luật: Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học;…

Đối với HĐT, dự thảo quy định, hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng là thành phần đương nhiên trong HĐT. Tiếp đó là thành phần đại diện của người lao động là giảng viên, tối thiểu phải chiếm 25%. Thành phần thứ ba là người bên ngoài trường, đại diện cho cộng đồng xã hội, các nhà quản lý, cựu sinh viên, người sử dụng lao động,… tối thiểu là 30% so với trước đây chỉ 20%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, trong thời gian qua HĐT ở một số trường đại học hoạt động chưa hiệu quả do một số nguyên nhân sau: HĐT chưa thật sự là một tổ chức có quyền lực. Thực tế, vai trò hiện nay của HĐT chỉ có nhiệm vụ giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng,… HĐT chưa có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Một đề tài nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên đến từ trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Cho đến nay mới có một số rất nhỏ trường đại học công lập (23/169 trường, khoảng 13,6%) dám bước đi những bước chập chững đầu tiên trên con đường tự chủ; và cũng chỉ mới có khoảng 1/3 số trường có HĐT.

Cá biệt, ở một số trường, Chủ tịch HĐT chưa từng qua quản lý cấp trường mà thường là cấp trưởng phòng, trưởng khoa và chưa được đào tạo về quản trị đại học. Trong khi Luật Giáo dục đại học (GDĐH) quy định cần có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm. Một số Chủ tịch HĐT thậm chí không có trong ban chấp hành Đảng bộ của trường đại học đã khiến nhiều HĐT chưa thật sự uy quyền.

Cũng theo chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục: HĐT là cơ quan đại diện và thể hiện quyền lực cao nhất là đúng, chúng ta thấy trong 24 trường thí điểm vừa rồi thì hầu như không có trường nào có vấn đề gì gọi là tranh chấp quyền lực. Tất nhiên trong quá trình thí điểm có thể có sự xung đột nho nhỏ. Đối với một số trường đại học, nhà trường đều nhìn lại và xem vai trò của mình phát huy đến đâu, quan trọng là góp mặt trong sự kiện, sự phát triển của trường chứ không phải mình phát huy hết cả quyền lực của mình.

Để tháo gỡ nút thắt này, “Thời gian qua tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Đảng ủy là người giám sát vai trò và hoạt động của HĐT, được thể hiện qua cơ chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy với HĐT, cụ thể: Đảng ủy lãnh đạo toàn diện về mặt phương hướng, chủ trương, đường lối theo quy định của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT được quy định ở Luật GDĐH và Điều lệ trường đại học”, TS Trần Thế Hoàng chia sẻ.

Theo ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: HĐT ngoài vai trò giám sát, thông qua chiến lược phát triển của trường, còn tham gia vào việc “kéo” tài chính về cho nhà trường. Thế nên, nếu trong HĐT có thành phần ngoài trường tham gia thì sẽ khách quan hơn trong đánh giá.

Như HĐT Đại học Y Dược, ĐH Huế, có 4 ủy viên là người ngoài trường, bao gồm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên – Huế và một ủy viên đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế. Điều này sẽ tránh được nguy cơ HĐT hoạt động trong một môi trường khép kín và góp phần khuyến khích sự phát triển cũng như lối tư duy mở theo hướng tự chủ.

Do đó, quyền hạn và trách nhiệm của HĐT thì đã được thấy rõ nhưng việc HĐT là cơ quan thực quyền cao nhất trong trường đại học thì vẫn còn nhiều băn khoăn. Đây cũng là vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Tọa đàm “Rào cản tự chủ đại học trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học”, do Báo giáo dục Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 28/10 tại Hà Nội.

Chỉ rõ Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến trao quyền tự chủ cho các trường đại học, TS Lê Viết Khuyến – trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Trao quyền đó cho ai? Không phải cho cá nhân hiệu trưởng mà trao cho HĐT, làm rõ vai trò của hội đồng trường được trao quyền thực sự như thế nào rất quan trọng, nếu không làm được điều này thì chúng ta không thấy HĐT”. “Logic tất yếu là khi trao quyền tự chủ cho các trường đại học thì phải thấy ai trao, ai nhận chứ không chỉ hô chung chung khẩu hiệu”, TS. Khuyến thẳng thắn chỉ ra.

Đồng tình quan điểm cần trao quyền cho HĐT, GS Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Chủ trương tự chủ đại học tạo ra sự dịch chuyển quyền lực. Mà dịch chuyển quyền lực không bao giờ dễ, đó là một quá trình đấu tranh, phải có thời gian”.

Theo ông Thiệp, công cụ để thực hiện tự chủ đại học là HĐT, khái niệm này xuất hiện từ năm 2003, tuy nhiên hiện nay có rất ít HĐT, nếu có cũng không có thực quyền. Điều mà các trường đại học công lập lo sợ khi thành lập HĐT là phải chuyển quyền, mất quyền “xin – cho”. Bên cạnh đó, hiệu trưởng cũng mất quyền nếu trao quyền cho HĐT.

GS.TS Trần Đức Viên – chủ tịch hội đồng học viện, Học viện nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm: Để HĐT thực hiện đúng chức năng và vai trò theo luật định, cần trao thực quyền cho họ, nhưng quyền cũng đi liền với trách nhiệm, nghĩa là cùng với hiệu trưởng, HĐT (đại diện là chủ tịch) cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhà nước, trước xã hội, trước cán bộ, giáo viên và người học về tất cả các lĩnh vực hoạt động của cơ sở giáo dục.

Có thể thấy, những quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã thể hiện hết sức mạnh mẽ trên tinh thần tự chủ, chú trọng phát huy tối đa quyền lực của HĐT và mọi quy định đưa ra đều chưa thể hoàn thiện được, đâu đó vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, những gì đã quy định trong luật sẽ tạo nên một bước tiến mạnh mẽ và nó sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình tự chủ đại học trong thời gian tới.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn.



Bình luận - Thảo luận