Chuyên mục

Giúp EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện năm 2024

Giúp EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện năm 2024

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện trong năm 2024 để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện. Đồng thời, để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Theo đó, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng trong năm 2023. Tính chung năm 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng).

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ hướng dẫn EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, để tránh bị động, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương chuẩn bị sớm phương án và thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trong năm 2023, giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh 2 lần. Cụ thể, ngày 4/5, mức giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 3% lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) sau 4 năm không điều chỉnh. Đến ngày 9/11, giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng tiếp 4,5% lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2023 của (EVN), Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng một kWh, trong khi giá bán bình quân 1.950,32 đồng. Tức mỗi kWh bán ra, EVN lỗ gần 142,5 đồng.

Nguyên nhân làm tăng chi phí khâu sản xuất điện do giá nhiên liệu vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các năm trước đây. Cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Cùng với đó, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.

Theo Tổng giám đốc EVN, hiện EVN và các tổng công ty phát điện chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện, 10% phụ thuộc vào Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), còn lại là nhà đầu tư BOT và tư nhân.

Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành. Lãnh đạo EVN cho rằng, đây là con số bất bình thường, cần phải xem xét lại việc vận hành thị trường điện. Bởi thực tế từ các nước, giá thành sản xuất điện từ nguồn phát dao động 40 - 50%, còn lại là các khâu truyền tải, phân phối. Trong khi ở nước ta chiếm tới 80%, ảnh hưởng cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, để giải quyết tình trạng lỗ của EVN, Chính phủ đang xem xét cơ chế cho phép tăng giá điện dưới 5% trong khoảng thời gian 3 tháng/lần.

“Nếu không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ lũy kế, không giải quyết được lỗ lũy kế thì không làm được gì hết”, ông Hoàng Anh nói.

Theo Tạp chí Thương gia.



Bình luận - Thảo luận