Chuyên mục

Doanh nhân Lê Công Năng: Giải bài toán thương hiệu giúp doanh nghiệp phát triển trường tồn

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm ngoái. Bình quân, một tháng có gần 14.4000 doanh nghiệp ‘biến mất’. Theo doanh nhân Lê Công Năng, có nhiều yếu tố dẫn đến việc các doanh nghiệp giải thể, trong đó việc xây dựng và phát triển thương hiệu đóng vai trò quyết định nhưng lại không được đầu tư đúng đắn.

Hiện nay, thị trường thế giới và Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội để các startup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng phát triển thương hiệu. Thế nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp dù khởi nghiệp thành công nhưng không thể tồn tại qua 3 năm vì hết vốn, không đủ doanh thu và không đủ nhân sự. Việc chưa thương hiệu hoá, tìm được chỗ đứng trên thị trường đã khiến các doanh nghiệp bị xóa tên. 

"Từng là giám đốc marketing của một tập đoàn du lịch hàng đầu và hiện là Tổng Giám đốc của WonderTour - doanh nghiệp đã và đang tạo dựng được vị thế trong ngành du lịch/ lữ hành tôi thấy, sai lầm của nhiều doanh nghiệp là chỉ quan tâm đến vấn đề bán hàng, tạo ra dòng tiền mà không tư duy  xây dựng thương hiệu, làm marketing. Ngày trước, chúng ta thường làm marketing trực tiếp thông qua các hệ thống phân phối bán hàng thì ngày nay có một lợi thế đó là marketing online. Với công nghệ số, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh được thương hiệu của mình nhưng họ lại không biết tận dụng,” doanh nhân Lê Công Năng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, thương hiệu của một doanh nghiệp được phát triển trên 3 trục giá trị: thứ nhất là sản phẩm chất lượng, thứ hai là độ phủ doanh nghiệp và thứ ba là thương hiệu cá nhân của chủ doanh nghiệp. Bài toán tìm chỗ đứng trên thị trường phải được tính từ khi ý tưởng xây dựng một doanh nghiệp bắt đầu hình thành chứ không phải chỉ khi tạo ra doanh thu. 

Chất lượng sản phẩm sẽ nâng tầm thương hiệu

Để một doanh nghiệp có thể phát triển, chất lượng sản phẩm vẫn là một trong những yếu tố tiên quyết để khách hàng nhớ và trung thành với doanh nghiệp. Khi sở hữu thương hiệu mạnh, doanh nghiệp có thể bán sản phẩm với giá cao hơn để tối ưu lợi nhuận. Sản phẩm chất lượng là sản phẩm có thể làm thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng và đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành. Ví như trong ngành du lịch, một sản phẩm du lịch chất lượng cần được đảm bảo các tiêu chí chất lượng dịch vụ du lịch, chất lượng tư vấn - phục vụ, chất lượng các dịch vụ theo kèm trên cở sở khách hàng có trải nghiệm cảm xúc tốt.

Độ phủ của doanh nghiệp dựa vào tên thương hiệu và chiến dịch marketing

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới  thành lập chưa có tư duy hay sự đầu tư đúng mức cho thương hiệu. Để thương hiệu có độ phủ rộng, ngoài việc phát triển hệ thống phân phối, tăng sự hiện diện qua các điểm bán hàng offline thì chủ doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt đến các nền tảng mạng xã hội. Ngoài hoạt động đầu tư thương hiệu thông thường, cần đặc biệt lưu ý việc đặt tên thương hiệu.  Tên thương hiệu đẹp không chỉ hay về ý nghĩa, từ ngữ mà còn làm nổi bật ưu điểm của sản phẩm/dịch vụ, giúp định vị và thể hiện tầm nhìn của doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư và nhân sự giỏi. Theo doanh nhân Lê Công Năng, tư duy về xây dựng thương hiệu rất quan trọng, là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công cho thương hiệu. 

"Tôi nghĩ một doanh nghiệp đầu tư nhiều chất xám vào tên thương hiệu của mình là một doanh nghiệp có tư duy trong việc xây dựng thương hiệu. Bản thân tôi, để nghĩ ra cái tên WonderTour, tôi cần xác định rất kỹ mục tiêu trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp và tìm tên có thể kể câu chuyện thương hiệu. Wonder có nghĩa kỳ quan, tuyệt vời, sự tò mò. Điều này phù hợp với khát vọng và tiêu chí xây doanh nghiệp lớn của tôi. Ngay cả giá trị cốt lõi, tôi cũng có thể ghép Wonder từ 6 từ khóa ý nghĩa. Chữ W viết tắt của từ Worth với nghĩa kiến tạo tour du lịch giá trị, chữ O viết tắt của từ Optimal với nghĩa tối ưu chi phí cho khách hàng, chữ N viết tắt của từ Navigation với nghĩa mang lại trải nghiệm mới nhất, chữ D viết tắt của từ Distinctive với nghĩa khác biệt bằng việc cá nhân hóa nhu cầu, chữ E viết tắt của từ Ensure mang nghĩa Cam kết với dịch vụ chất lượng, chữ R viết tắt của từ Result mang nghĩa Đáp ứng mong đợi cao nhất của khách hàng”, doanh nhân Lê Công Năng hào hứng.

Giữa tên thương hiệu và marketing có sự giao thoa, thúc đẩy nhau. Trong đó thương hiệu nhấn mạnh vào các liên tưởng mà khách hàng nhớ đến thương hiệu; còn marketing tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi một thương hiệu đã có chỗ đứng, định giá của một sản phẩm cũng sẽ khác cho dù doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhiều đối thủ.  

Ví dụ điển hình trong việc đặt tên thương hiệu là Unilever, một tập đoàn đa quốc gia của Anh chuyên sản xuất về hóa mỹ phẩm. Nhãn hiệu bột giặt OMO của Unilever được mọi người biết đến rộng rãi ngay cả với những người ít dùng mạng xã hội, công nghệ. Cùng với tên thương hiệu ngắn gọn, ấn tượng Unilever còn liên tục thực hiện các chiến dịch quảng cáo trong suốt một quãng thời gian dài trên truyền thông băng rộng, truyền hình để gây ấn tượng và tạo khác biệt với đối thủ. Ngay từ khi mới xuất hiện, OMO đã lựa chọn định vị bản thân là ‘chuyên gia giặt tẩy vết bẩn’. Đây cũng là điểm nhấn tạo nên chiến lược phát triển thương hiệu đầy sáng tạo của bột giặt OMO.

Thương hiệu của chủ doanh nghiệp

Bên cạnh chất lượng sản phẩm, độ phủ của doanh nghiệp, hình ảnh và danh tiếng của lãnh đạo doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh. Theo các chuyên gia, việc xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp thì tính ảnh hưởng của CEO đóng góp đến 44%. 

Chia sẻ về cách tạo dựng thương hiệu cá nhân, theo doanh nhân Lê Công Năng, CEO của một doanh nghiệp có thương hiệu phải có thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp và có sự nhất quán trong việc xây dựng hình ảnh trước công chúng. 

"Việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nên được xây dựng vào thời điểm doanh nghiệp mới bắt đầu và thương hiệu của chủ doanh nghiệp cũng vậy. Trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp, thương hiệu của chủ doanh nghiệp phải được xây dựng một cách nhất quán. Nếu ngay từ ban đầu, chủ doanh nghiệp xây dựng hình ảnh là một người bán hàng thì rất khó chuyển đổi thành một doanh nhân. Ví dụ như tôi, tôi xây dựng thương hiệu cá nhân đi cùng WonderTour và ở mỗi một giai đoạn tôi sẽ định vị tôi là một người nào đó, nhưng phải nhất quán. Giai đoạn đầu của WonderTour là trong năm 2020 - 2021 tôi xuất hiện trước công chúng với vai trò một là diễn giả đào tạo các chương trình về kỹ năng sống, là giảng viên đại học cho các bộ môn về du lịch. Việc này giúp doanh nghiệp của tôi dễ đưa các sản phẩm tour học sinh đến với khối trường học. Còn hiện tại tôi xây dựng hình ảnh mình là một doanh nhân. Hai hình ảnh đó định vị trong tâm trí khách hàng, tôi là ông Lê Công Năng, là Chủ tịch của WonderTour, người trao đi giá trị. Nhân hiệu đó đã giúp cho tôi mở rộng được quan hệ đối tác và khách hàng chất lượng giúp mang lại nguồn khách trung thành cho doanh nghiệp”, doanh nhân Lê Công Năng chia sẻ.

Theo các chuyên gia, để xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, phải có sự phối hợp với yếu tố marketing. Trong đó thương hiệu nhấn mạnh vào các liên tưởng mà khách hàng nhớ đến thương hiệu; còn marketing tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp chưa tạo ra sản phẩm riêng biệt cùng chiến lược để xác lập thương hiệu và tìm ra cách để thương hiệu  đó được lan rộng thì doanh nghiệp đó rất khó để định vị, bám trụ trên thị trường.



Bình luận - Thảo luận