Chuyên mục

Điều lệ

Điều lệ Tổng hội Doanh nhân

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------o0o-----------

ĐIỀU LỆ SƠ THẢO
HỘI DOANH NHÂN 8X

                                                                                      

Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi, trụ sở
- Tên Tiếng Việt: Hội Doanh nhân 8X
- Tên Tiếng Anh: 8XBusiness Association
- Tên viết tắt tiếng anh: 8XBA
- Trụ sở: Hà Nội.
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích
1. Tôn chỉ:
Hội Doanh nhân 8X là tổ chức xã hội, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, kết nối doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới, với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, mở ra môi trường giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống đồng thời gắn kết và ủng hộ sự phát triển của dân tộc.
2. Mục đích:

  • Hình thành thị trường nội bộ trong hoạt động Sản xuất kinh doanh của các Hội viên.
  • Phát triển các mô hình đào tạo, gắn  lý thuyết với thực tiễn Doanh nghiệp.
  • Tham gia đóng góp ý kiến với nhà nước, tổ chức, cơ quan có hữu quan về các chính sách liên quan đến ngành nghề liên quan đến hội và các thành viên của hội.
  • Giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư.
  • Góp phần hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các hội viên.
  • Chia sẻ, quan tâm trong cuộc sống và công việc.

 
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động
1. Tự nguyện, tự quản.
2. Hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động bình đẳng, công khai, minh bạch.
3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
4. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
 
Chương II: QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ
Điều 4. Nhiệm vụ và Quyền hạn của Hội
1. Nhiệm vụ:

  • Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội đã được phê duyệt.
  • Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của hội nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến hoạt động của hội, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện và phát triển cộng đồng.
  • Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của hội theo đúng quy định của pháp luật.
  • Phát triển Hội viên, lập hồ sơ danh sách hội viên, các đơn vị trực thuộc hội, trong đó ghi rõ tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của hội viên; sổ sách, chứng từ về tài sản, tài chính của hội, các tài liệu liên quan đến hoạt động của hội, sổ ghi biên bản các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường Trực hội và lưu giữ thường xuyên tại trụ sở của Hội

2. Quyền hạn

  • Tuyên truyền mục đích, tôn chỉ của Hội.
  • Đại diện cho Hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội.
  • Tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo quy định của pháp luật.
  • Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội.
  • Được gây quỹ Hội trên cơ sở Hội phí của Hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
  • Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

 

 
Chương III: HỘI VIÊN

Điều 5. Hội viên của Hội
1. Hội viên chính thức là thể nhân: Hội viên là các doanh nhân người Việt đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng như nước ngoài, tâm huyết và tự nguyện tham gia tổ chức Hội. Có đăng ký chính thức tham gia Hội qua email, thư xác nhận,… và được Hội chấp nhận.
2. Hội viên chính thức là pháp nhân: Có người đại diện hoặc người sáng lập hoặc người sở hữu vốn lớn nhất đăng ký chính thức tham gia Hội qua email, thư xác nhận,… và được Hội chấp nhận
3. Hội viên liên kết: Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam và quốc tế, với tinh thần tự nguyện hợp tác công sức, trí tuệ; tán thành Điều lệ Hội, có thể được xét kết nạp là Hội viên liên kết của Hội
4. Hội viên danh dự: Những doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp xuất sắc cho việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội Ban Chấp hành Hội chấp thuận.
 Hội viên liên kết và Hội viên danh dự có quyền và trách nhiệm như Hội viên khác của Hội, trừ quyền bẩu cử, ứng cử vào các vị trí lãnh đạo của Hội và biểu quyết các vấn đề của Hội.
5. Hội viên tự do: Là tất cả các doanh nhân nhưng chưa đăng ký làm Hội viên chính thức. Hội viên tự do được nhận thông tin về các hoạt động của Hội nhưng không có các quyền nêu trong Điều 6, chương III
Điều 6. Quyền của Hội viên
1. Được dự Hội nghị của Hội, ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội theo quy định của Hội.
2. Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng và biểu quyết thông qua các quyết định, chủ trương và chương trình hoạt động của Hội. Được Hội giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội.
3. Được Hội và các Hội viên tạo cơ Hội liên kết, phát triển kinh doanh, phát triển thị trương nội bộ trong cộng đồng Hội viên và với các hoạt động kinh tế ngoài phạm vi Hội.
4. Được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức; được Hội giúp đỡ khi khó khăn, khi có nhu cầu.
5. Được Hội bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp trong các hoạt động kinh tế, trong công việc, trong cuộc sống
6. Được quyền xin ra khỏi Hội.
Điều 7. Nhiệm vụ của Hội viên
1. Chấp hành Điệu lệ và thực hiện các nghị quyết của Hội
2. Tuyên truyền rộng rãi về Hội trong cộng đồng để thu hút Hội viên mới góp phần phát triển tổ chức, mở rộng phạm vi hoạt động của Hội
3. Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hội, góp phần phát triển Hội ngày càng lớn mạnh
4. Có trách nhiệm, chủ động góp phần tham gia hỗ trợ các Hội viên của Hội trong điều kiên của mình để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các Hội viên
5. Chủ động tham gia cùng Hội bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Hội và Các Hội viên khác trong khả năng và điều kiện của mình
6. Đóng Hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội.
 
Chương IV: TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG
Điều 8. Cơ cấu tổ chức của Hội
1. Tổ chức của Hội Doanh nhân, gồm:
+ Đại Hội Thành Viên
+ Ban cố vấn
+ Ban chấp hành
+ Thường trực Hội
Chủ tịch
Các phó Chủ tịch
Tổng thư ký
Bộ phận chuyên môn
Các Dự án hoạt động
 
2. Sơ đồ bộ máy tổ chức:
(tại Phụ lục đính kèm)
           
Điều 9. Đại Hôi Thành Viên.

  1. Là cơ quan tối cao của Hội họp thường kỳ hàng năm.
  2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Đại Hội:
  1. Bầu Ban Chấp Hành Hội.
  2. Bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch và các thành viên ban chấp hành, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên ban chấp hành.
  3. Phê duyệt các chính sách phát triển chiến lược.
  4. Phê duyệt hạng mục đầu tư lớn của hội từ 100 triệu trở lên.
  5. Phê duyệt nội dung Điều lệ và mô hình tổ chức của hội.
  6. Phê duyệt các dự án lớn của hội có vốn đầu tư từ 100 triệu trở lên hoặc có tính chiến lược có thể làm tác động tới định hướng phát triển của Hội.

Điều 10. Ban Chấp hành Hội.
1. Là cơ quan Lãnh đạo của Hội giữa 2 nhiệm kỳ hoạt động của Ban Chấp Hành; Thông thường một nhiệm kỳ là 3 năm và được bầu theo hình thức hiệp thương hoặc bỏ phiếu bầu tại Đại hội do Ban Chấp Hành giới thiệu.
2. Các cá nhân tự ứng cử hoặc được giới thiệu bầu vào Ban Chấp Hành Hội không do Ban Chấp Hành khóa trước giới thiệu chiếm tỷ lệ không vượt quá 30% số thành viên Ban Chấp Hành khóa tới. 
3. Ban Chấp hành Hội họp thường kỳ 6 tháng/lần. Khi cần, có thể họp bất thường theo triệu tập của Chủ tịch Hội hoặc theo yêu cầu của các UV BCH. Các quyết định, nghị quyết của Ban Chấp hành được thông qua và có hiệu lực khi có trên 1/2 (một phần hai) số ủy viên chính thức dự họp tán thành.
4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành:
a) Giải quyết những công việc của Hội theo tôn chỉ mục đích của Hội; Lãnh đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Điều lệ, nghị quyết, quyết định chương trình công tác hàng năm và các công tác khác của Hội;
b) Triệu tập Đại Hội bất thường, thường kỳ nếu được 51% số lượng Ban Chấp hành nhất trí.
c) Bầu và bãi nhiệm Chủ tịch, các phó Chủ tịch, các thành viên Ban chấp hành. Trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ, Ban Chấp hành có quyền bầu bổ sung không quá 1/3 (một phần ba) số lượng ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại Hội quyết định theo đề nghị của Ban Thường trực Hội hoặc Ban chấp hành.
d) Xây dựng định hướng phát triển và chương trình hoạt động của Hội.
4. Cơ Cấu Ban Chấp hành:
Cơ cấu nhân sự cho phép có đại diện của các nhóm doanh nhân có thể theo ngành nghề, độ tuổi, vùng miền theo đề xuất của Ban Chấp Hành và được Đại Hội phê duyệt; ưu tiên nhân sự trẻ, lấy lực lượng Doanh nhân làm nòng cốt
Số lượng thành viên BCH trong khoảng 5 - 7 người không phân biệt độ tuổi, có tâm huyết, có năng lực tổ chức, gắn bó với hoạt động của Hội.
Để hoạt động Hội ổn định và đúng định hướng. Các vị trí Chủ Tịch Hội, Phó Chủ Tịch thường trực, Tông thư ký của Nhiệm kỳ trước được đặc cách tham gia tiếp vào Ban Chấp Hành nhiệm kỳ kế tiếp.
Các cá nhân được bầu hoặc được tham gia vào Ban Chấp Hành phải được bỏ phiếu tín nhiệm với tỷ lệ từ 30% trở lên mới đủ điều kiện tham gia Ban Chấp Hành.
Điều 11. Ban Thường trực Hội.
1. Ban Thường trực là cơ quan thường trực của Ban Chấp hành, gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, các Trưởng Ban chuyên môn.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực:
a) Chỉ đạo, điều hành các công việc của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành;
b) Phê duyệt chương trình hành động toàn khóa và các chương trình công tác năm của Hội; hướng dẫn thực hiện điều lệ Hội, nghị quyết Đại Hội và các nghị quyết của Ban Chấp hành;
c) Trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể, Ban Thường trực có thể lập ra các ban công tác, Ban dự án và cử các ủy viên Ban Chấp hành hoặc các cá nhân có năng lực và uy tín phụ trách đồng thời báo cáo trước Ban Chấp hành Hội tại phiên họp gần nhất;
d) Quyết định khen thưởng, kỷ luật và xóa tên Hội viên trong danh sách Hội viên của Hội;
đ) Ban Thường trực Hội họp ít nhất 3 tháng/ lần, khi cần thiết có thể họp bất thường.
Điều 12. Chủ tịch Hội
1. Chủ tịch Hội do Ban chấp hành bầu trong số ủy viên Ban chấp hành, là người đại diện pháp nhân của Hội trong các mối quan hệ với các đối tác trong, ngoài nước và trước pháp luật về những vấn đề có liên quan đến Hội .
2. Chủ tịch Hội có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Chủ trì xây dựng định hướng về phát triển về mô hình, phương hướng hoạt động; Lãnh đạo, quản lý mọi hoạt động của Hội;
b) Triệu tập và Chủ trì các cuộc họp Thường trực, Ban chấp hành Hội.
c) Chủ trì cuộc họp Ban Chấp hành nhiệm kỳ kế tiếp cho đến khi bầu xong Chủ tịch mới.
d) Xây dựng chương trình công việc trình Ban Thường trực Hội theo Quý, 6 tháng, 1 năm.
e) Thay mặt Ban Thường trực Hội quyết định những nội dung công việc thuộc chương trình công tác của Ban Thường trực, Ban chấp hành; Trong trường hợp đột xuất phải báo cáo Ban Thường trực Hội trong vòng 3 ngày kể từ ngày thực hiện.
f) Phân công, đề xuất miễn nhiệm các Phó Chủ tịch theo chức năng và yêu cầu đột xuất.
g) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, phân công Tổng thư ký, các trưởng Bản chuyên môn theo năng lực và yêu cầu.
Điều 13. Phó Chủ tịch Hội
1. Các Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội bầu trong số ủy viên Ban chấp hành, giúp Chủ tịch chỉ đạo hoạt động của Hội trong những lĩnh vực được phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch.
2. Giúp Chủ tịch Hội thuộc lĩnh vực được phân công hoặc đột xuất theo ủy quyền.
3. Thay mặt Chủ tịch Hội quyết định những nội dung công việc được phân công và tự chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội và pháp luật về quyết định của mình.
4. Có trách nhiệm chia sẻ thông tin về những công việc đã và đang giải quyết theo chế độ thông tin nội bộ tới Chủ tịch và các Thành viên khác, Thư ký Hội.
Điều 14. Ban Thư ký
1. Là bộ phận tham mưu, tổng hợp mọi hoạt động của Hội và tự quyết định những nội dung công việc trong chủ trương với tư cách là người thừa lệnh, đồng thời c/c báo cáo cho Thường trực nắm được.
a) Thường trực hàng ngày nắm và kết nối thông tin, yên cầu của Ban Chấp hành và của Hội viên nhằm tạo khả năng liên kết và tạo điều kiện tốt nhất để các Hội viên có thể tận dụng cơ Hội nhằm phục vụ nhu cầu tổ chức và cá nhân Hội viên trong khuôn khổ tôn chỉ mục đính của Hội.
b) Lưu trữ hồ sơ, văn bản, giữ gìn tài liệu phục vụ yêu cầu xây dựng truyền thống tổ chức Hội sau này.
c) Là đầu mối phối hợp, trực tiếp điều hành thường xuyên công việc văn phòng Hội, Thực hiện nhiệm vụ tài chính của Hội.
2. Cơ cấu Ban Thư ký gồm: Tổng Thư ký, Phó Tổng thư ký và một số Ủy viên Ban thư ký. Phó Tổng thư ký do Chủ tịch quyết định theo đề nghị của Tổng thư ký. Ban Thư ký có nhiệm vụ giúp Ban Thường trực chuẩn bị nội dung các kỳ họp và triệu tập các kỳ họp; theo dõi, giúp đỡ các Hội viên trong triển khai tổ chức hoạt động; giải quyết các công việc hàng ngày của Hội, quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài liệu và tài chính của Hội.
Điều 15. Các tổ chức thuộc Hội
Các tổ chức thuộc Hội bao gồm các câu lạc bộ, các doanh nghiệp do Hội thành lập hoặc bảo trợ, liên kết cùng Hội phát triển
Điều 16. Các đối tác chiến lược
1. Lựa chọn tối đa 10 thương hiệu lớn, có uy tín là thương hiệu đồng hành trong hoạt động của Hội.
2. Lựa chọn từ 5-10 công ty thành viên được Hội tập trung nguồn lực chia sẻ, hỗ trợ, chắp nối các cơ Hội phát triển, đồng thời các công ty có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho quỹ Hội.
3. Lựa chọn một số công ty, doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh v.v.... tham gia xây dựng hình ảnh, thương hiệu, quảng bá sản phẩm có uy tín. 
Chương V: KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
Điều 17. Tiêu chuẩn Hội viên
            Tổ chức, cá nhân Hội tụ đầy đủ những yếu tố như quy định tại điều lệ đều có thể được kết nạp là Hội viên Hội Doanh nhân.
Điều 18. Quy trình kết nạp Hội viên mới:
- Cá nhân, tập thể có nhu cầu điền thông tin vào Phiếu đăng ký theo mẫu, gửi tới Ban thư ký, Thường trực Hội.
- Ban phát triển hội viên mới tiến hành thẩm định tư cách hội viên và có biên bản báo cáo thẩm định kèm theo hồ sơ hội viên đăng ký kết nạp.
-
- Ban phát triển hội viên mới chuẩn bị hồ sơ hội viên đăng ký gửi bản scan trước cho các thành viện Ban Thường trực. Thông báo lịch họp xét kết nạp thành viên.
- Ban thường trực Hội tổ chức kết nạp Hội viên theo từng đợt. Thành viên được kết nạp khi đạt trên 50% thành viên Ban thường trực tại phiên kết nạp chấp thuận. Trường hợp chỉ đạt được tỉ lệ đúng 50% chấp thuận thì quyết định sẽ do Chủ Tịch hoặc người được Chủ tịch ủy quyền điều hành phiên kết nạp quyết định.
- Hội viên trở thành Hội viên chính thức kể từ ngày được Ban thường trực chính thức phê duyệt chứng nhận và ban hành quyết định Quyết định do chủ tịch hội ký ban hành.
 
Chương VI: TÀI SẢN VÀ QUỸ HỘI
Điều 19. Tài sản và Quỹ Hội
Tài sản, tài chính của Hội được hình thành từ các nguồn:
1. Hội phí do các Hội viên đóng góp
2. Trích từ các giao dịch nội bộ giữa các Hội viên, các hoạt động tư vấn, giảng dạy, tổ chức Hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm.
3. Tìm kiếm các nhà tài trợ và tổ chức các hoạt động vinh danh Nhà tài trợ.
4. Đóng góp từ một số Doanh nghiệp hạt giống của Hội.
5. Phí quảng cáo thông qua mạng xã Hội, website, ấn phẩm của Hội.
6. Các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 20. Quản lý và sử dụng tài sản, quỹ Hội
1. Tài sản và tài chính của Hội do Ban Thư ký chịu trách nhiệm quản lý theo nguyên tắc tập trung, thống nhất và được chi cho hoạt động Hội theo quy chế của Hội.
2. Việc sử dụng tài sản và tài chính, chế độ báo cáo tài chính của Hội phải đúng theo nguyên tắc, quy định của Hội, quy định của pháp luật và được Chủ tịch hội phê duyệt Ban Thư ký được giao trách nhiệm quản lý tài sản, tài chính phải có báo cáo định kỳ về thu, chi và thực hiện đúng những quy định cho Ban Thường trực.
 
Chương VII: KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 21. Khen thưởng
1. Hàng năm Hội tổ chức tôn vinh những Hội viên có nhiều thành tích trong các hoạt động của Hội, trong SXKD và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm xã Hội v.v.... Trường hợp có thành tích đóng góp đặc biệt xuất sắc, Hội có thể đề xuất Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xét khen thưởng, tôn vinh xem xét, có hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp với quy định của pháp luật
2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể thẩm quyền, thủ tục, tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng trong nội bộ Hội.
Điều 22. Kỷ luật
1. Hội viên của Hội hoạt động trái với Điều lệ và nghị quyết của Hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, khai trừ khỏi Hội.
2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể thủ tục và thẩm quyền kỷ luật trong nội bộ Hội theo Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.
Chương VIII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ này phải do Đại Hội Ban chấp hành Hội thông qua. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phải được 2/3 số đại biểu chính thức có mặt tại Đại Hội Ban chấp hành tán thành.
Điều 24. Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội
Ban Chấp hành của Hội có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức việc thực hiện Điều lệ này.
Điều 25. Hiệu lực thi hành
1. Các tổ chức của Hội, Hội viên phải tuân thủ Điều lệ này trong mọi trường hợp.
2. Điều lệ này có 08 Chương, 25 Điều được Đại Hội Ban chấp hành của Hội Doanh nhân thông qua ngày …. tháng …. năm 2024 tại Thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành ngay khi kết thúc Đại hộị./.



Bình luận - Thảo luận