Chuyên mục
Danh sách diễn đàn

CPI tháng 1/2024 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023

CPI tháng 1/2024 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, so với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1/2024 tăng 3,37%.

Trong mức tăng 0,31% của CPI so với tháng trước, khu vực thành thị tăng 0,33% và khu vực nông thôn tăng 0,29%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 1/2024 tăng 0,21%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 1,74%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,3%, thực phẩm giảm 0,09%.

Chỉ số giá nhóm lương thực tăng do giá gạo tăng và nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cao, tác động đến chỉ số giá các mặt hàng lương thực khác.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng tăng giá so với tháng trước như thủy sản chế biến, thủy sản tươi sống, giá thịt lợn, giá đường, chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình, chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng,

Việc các chỉ số tăng giá tác động làm tăng CPI chung 0,11 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 1/2024 tăng 0,41% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm,

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,02% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo thông tư số 22/2023/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Ngược lại, giá nhóm thực phẩm tháng 1/2024 giảm 0,09% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như rau tươi, khô và chế biến. Nguyên nhân giảm do đang là thời điểm thu hoạch vụ rau đông xuân, thời tiết thuận lợi khiến nguồn cung rau củ dồi dào và phong phú. Đồng thời, nhóm dầu mỡ ăn và chất béo khác cũng giảm 0,09% chủ yếu do giá dầu thực vật giảm.

cpi-1-3448.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản thấp hơn mức CPI bình quân chung chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 407,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; lương thực, thực phẩm tăng 6,2%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%; hàng may mặc tăng 1,5%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2024 ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tạp chí Thương gia.



Bình luận - Thảo luận