Chuyên mục

Công ty của đại gia Lâm Văn Tuyển liên quan như thế nào tới "đất vàng" 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa?

Công ty của đại gia Lâm Văn Tuyển liên quan như thế nào tới "đất vàng" 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa?

Hiện nay, khu "đất vàng" 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 7, quận 3, TP.HCM) có diện tích 446,8 m2 do Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ G.B (viết tắt là Công ty TNHH GB) quản lý, sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây cũng là mảnh đất liên quan trực tiếp tới việc 2 thành viên HĐTV Tổng Công ty Chè Việt Nam vừa bị khởi tố.

MÀN LỘT XÁC TỪ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC THÀNH TƯ NHÂN

Trước khi về tay Công ty TNHH GB, mảnh đất đầy sai phạm này thuộc về Tổng công ty Chè Việt Nam. Trong kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 17/10/20216 và kết luận thanh tra của Thanh tra Chính Phủ ngày 21/8/2020 đã chỉ rõ về công tác quản lý, sử dụng tài sản tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của Tổng Tổng công ty Chè Việt Nam.

Cụ thể, kết luận thanh tra cho biết, đất đai tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa do Chi nhánh Tổng công ty Chè Việt Nam tại TP.HCM quản lý, sử dụng. Năm 2008, Tổng công ty này đã xin thành lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà làm việc và văn phòng cho thuê và đã được chấp thuận.

Đến năm 2009, HĐQT Tổng công ty Chè Việt Nam đã có nghị quyết phê duyệt chủ trương hợp tác cho thuê làm văn phòng lâu dài với Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ GB (Công ty TNHH GB, do ông Ngô Nam Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, làm đại diện). Thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã được ký kết là 35 năm.

Nhưng đến năm 2013, Hội đồng thành viên Tổng công ty Chè Việt Nam ban hành Nghị quyết về việc hợp tác đầu tư nhằm thực hiện thoái vốn tại Dự án 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa theo phương thức góp vốn thành lập công ty cổ phần trong đó phần vốn góp của Tổng công ty là vốn thực tế đầu tư dự án và giá trị quyền được sử dụng đất thuê.

Ngày 10/12/2013, Tổng công ty Chè Việt Nam ký hợp đồng số 143/2013 góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất và kinh doanh sản phẩm chè tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa gồm 4 cổ đông với số vốn điều lệ là 80 tỷ đồng.

Cơ cấu góp vốn gồm có Tổng công ty Chè Việt Nam (góp 36,25%), Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại- Dịch vụ GB Sài Gòn (“Công ty Cổ phần GB Sài Gòn”, góp 28%), bà Ngô Thị Cẩm Ly (góp 28%) và Công ty cổ phần Kinh doanh xuất nhập khẩu Dược phẩm G.B Sài Gòn (góp 7,75%). Trong đó, phần vốn góp của Tổng công ty Chè Việt Nam là toàn bộ giá trị tài sản và lợi thế kinh doanh tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Tuy nhiên, vào năm 2015, Hội đồng thành viên Tổng công ty Chè Việt Nam tiếp tục ra các Nghị quyết về việc ký hợp đồng hợp tác dự án tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa trên cơ sở thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Kinh doanh GB-TEA Việt Nam (Công ty GB-TEA Việt Nam) với mức vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.

Công ty có 4 cổ đông, trong đó có 3 cổ đông cũ là: Tổng công ty Chè Việt Nam (góp 29%); Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại- Dịch vụ GB Sài Gòn Gòn (góp 31%), bà Ngô Thị Cẩm Ly (góp 20%). Thay thế cho Công ty Cổ phần Kinh doanh xuất nhập khẩu Dược phẩm G.B Sài Gòn là ông Ngô Nam Thắng, góp 20% vốn điều lệ.

Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 7/2015, Tổng công ty Chè Việt Nam tiếp tục thực hiện việc thoái vốn nhanh toàn bộ phần vốn góp tại Công ty GB-TEA Việt Nam cho chính cổ đông trong công ty là Công ty cổ phần Xây dựng, Thương mại, Dịch vụ GB Sài bằng cách chuyển nhượng cổ phần. Nhằm mục đích để lấy vốn phục vụ sản xuất và kinh doanh chè xuất khẩu. Số tiền Tổng công ty thu về từ việc thoái vốn này là 29 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng công ty này còn làm các thủ tục cho phép Công ty GB đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất khu đất số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa và và đã được chính quyền thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều đáng nói, việc góp vốn hay chuyển nhượng vốn nhà nước trên đều không báo cáo và không có chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Theo kết luận thanh tra, các giao dịch góp vốn, thoái vốn nêu trên là vô hiệu và kiến nghị các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền thu hồi các tài sản đã bàn giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất và Kinh doanh GB-TEA Việt Nam tại địa chỉ 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để bàn giao lại cho Tổng công ty Chè Việt Nam.

Tuy nhiên, dù kết luận thanh tra đã có hiệu lực từ 7 năm trước, nhưng đến nay, Tổng công ty Chè Việt Nam vẫn chưa hoàn tất việc thu hồi tài sản đã bàn giao và thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Thậm chí, khu "đất vàng" 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa vẫn đang được Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ GB (Công ty TNHH GB) quản lý, sử dụng. Và như đã nêu, Công ty TNHH GB đã được TP.HCM cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng cho lô "đất vàng" này.

ÔNG CHỦ HƯỞNG LỢI

Theo tìm hiểu của Thương gia, Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ GB được thành lập từ những năm 2002, ông chủ của công ty này chính là đại gia Lâm Văn Tuyển (sinh năm 1977).

Theo đăng ký kinh doanh năm 2014, Công ty TNHH GB có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là xây dựng. GB có 4 cổ đông góp vốn gồm ông Lân Văn Tuyển (góp 42,2%), ông Ngô Nam Thắng (góp 15%), bà Vũ Thị Hương Trà (góp 10,6%) và Reich Marek Robert (có địa chỉ tại Ba Lan, góp 32,2%).

225-nam-ky-khoi-nghia-7047-9593.jpeg
"Đất vàng" 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: Báo Tiền Phong

Sau đó, đến cuối năm 2014, cơ cấu cổ đông của công ty này có sự thay đổi chỉ có người là ông Lâm Văn Tuyển (góp 90%) và Trần Văn Đăng (góp 10%). Và theo đăng ký thay đổi mới nhất (ngày 18/6/2019), Công ty TNHH GB lại gồm 3 cổ đông, trong đó có sự xuất hiện trở lại bởi cổ đông người Ba Lan - Reich Marek Robert (góp 39,6%), còn lại là ông ông Lâm Văn Tuyển (góp 50,4%) và Trần Văn Đăng (góp 10%).

Ông Trần Văn Đăng (sinh năm 1972) đồng thời cũng là Giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty này.

Điều đáng nói, ông Ngô Nam Thắng (cổ đông trước đây của GB) cũng chính là người đã góp vốn cùng Tổng công ty Chè Việt Nam thành lập nên Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất và Kinh doanh GB-TEA Việt Nam thực hiện dự án 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Đồng thời, ông Thắng cũng là một trong những cổ đông trong Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại- Dịch vụ GB Sài Gòn Gòn, đơn vị cũng góp vốn thành lập nên Công ty GB-TEA Việt Nam.

Hiện, ông Thắng đang Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Dược phẩm 2/9 (mã chứng chứng NDP). Còn Ngô Thị Cẩm Ly cũng là em gái của ông Thắng và cũng là cổ đông của NDP.

Sáng 7/1, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Chè Việt Nam – Công ty Cổ phần và đã khởi tố bắt tạm giam bị can Nguyễn Thiện Toàn, nguyên Tổng Giám đốc, Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam.

Trước đó, ngày 5/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh (Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè Việt Nam) có hành vi ký các Nghị quyết góp vốn và thoái vốn là quyền sử dụng khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM không thông qua đấu giá công khai theo quy định, gây thiệt hại tài sản của nhà nước.

Theo Tạp chí Thương gia.



Bình luận - Thảo luận